Thử nghiệm nhân giống khoai lang mật huyện Ngân Sơn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật
Nuôi cấy mô tế bào thực vật đã và đang trở thành một phương pháp hữu hiệu, có nhiều ưu điểm trong nhân giống cây trồng, như: Nhân giống được số lượng nhiều cây, sạch bệnh trong một thời gian ngắn, chất lượng cây giống đồng nhất về kiểu hình cũng như kiểu gen, các điều kiện nhân giống không phụ thuộc và điều kiện thời tiết, khí hậu. Trong những năm qua, Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học Công nghệ Bắc Kạn là đơn vị có điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống cây trồng. Một số loại cây trồng bản địa đã được Trung tâm nuôi cấy thành công như cây Chuối tây, Ba Kích tím, Khoai Môn, Lan Kim Tuyến, Lan Hồ Điệp.
Trong vài năm gần đây, cây khoai lang mật được bà con nông dân huyện Ngân Sơn trồng với diện tích ngày càng nhiều. Anh Đồng Văn Trường, Giám đốc hợp tác xã Trường Thịnh (xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn) cho biết:” Hiện HTX có có 08 ha trồng khoai lang mật, mỗi một ha trồng khoai lang thu được 23-25 tấn, với giá bán từ 6-8 nghìn đồng/kg, cho giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa và ngô. Người trồng cần ít công chăm sóc và có thể tận dụng được tất cả các bộ phận từ thân, lá, củ. Trong những năm đầu, khoai lang mật ít bị sâu bệnh, tuy nhiên từ năm thứ 3 trở đi, giống có hiện tượng bị thoái hoá, cây cho năng suất thấp hơn, dễ bị sâu hà, nấm bệnh. Nhu cầu về nguồn giống sạch bệnh, giữ nguyên được tính trạng ban đầu của giống cây mẹ là rất lớn”.
Khoai lang mật huyện Ngân Sơn được trồng tại HTX Trường Thịnh, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn
Từ thực tế trên, phòng Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ thuộc Trung tâm Ứng dụng KH-CN và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tiến hành thử nghiệm nhân giống khoai lang mật huyện Ngân Sơn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống.
Tóm tắt các bước thử nghiệm:
- Chuẩn bị vật liệu mẫu: Củ khoai lang được rửa sạch, loại bỏ đất, bụi bẩn, để ráo nước. Sau đó đưa vào phòng sạch, tạo ẩm thích hợp để củ khoai bật mầm.
- Vào mẫu: Các củ khoai đã bật mầm, tiến hành cắt các đoạn thân chứa chồi thành từng đoạn dài từ 1,5 -2 cm, xử lý mẫu bằng hóa chất để khử trùng. Sau đó cấy trong túi môi trường có điều kiện dinh dưỡng thích hợp.
- Nuôi cấy: Tiến hành nuôi cấy các túi vật liệu mẫu trong phòng thí nghiệm với các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, dinh dưỡng, tối ưu.
Cây khoai lang được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật thuộc
Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Qua một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, kết quả bước đầu cho thấy: Các vật liệu mẫu cây khoai lang mật Ngân Sơn đang sinh trưởng và phát triển tốt, Phòng Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm để hoàn thiện quy trình nhân giống. Dự kiến sau khi hoàn thiện quy trình, đơn vị có thể cung ứng giống khoai lang phục vụ nhu cầu của người dân địa phương./.
ThS. Lâm Thị Hải Yến - Trung tâm Ứng dụng KH-CN&TCĐLCL