Hội nghị giao trực tiếp thực hiện 02 đề tài, dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp
Chiều 6/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã chủ trì Hội nghị tư vấn giao trực tiếp thực hiện 02 dự án: Tuyển chọn, nhân giống và khảo nghiệm hậu thế cho năng suất, hàm lượng tinh dầu cao phục vụ phát triển quế (Cinnamomun cassia.Presl) tại tỉnh Bắc Kạn và Dự án điều tra, đánh giá tình hình sâu bệnh và xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp trên cây keo, quế, hồi tại tỉnh Bắc Kạn.
Đại diện cơ quan chủ trì dự án tiếp thu ý kiến thành viên hội đồng
* Dự án Tuyển chọn, nhân giống và khảo nghiệm hậu thế cho năng suất, hàm lượng tinh dầu cao phục vụ phát triển quế (Cinnamomun cassia.Presl) tại tỉnh Bắc Kạn.
Dự án do Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng chủ trì, ThS Hà Văn Năm chủ nhiệm dự án. Theo thuyết minh, Dự án thực hiện trong thời gian 60 tháng từ năm 2022 đến năm 2026 nhằm mục tiêu tuyển chọn giống quế cho năng suất vỏ cao hơn so với giống sản xuất đại trà ít nhất 10% và hàm lượng tinh dầu trong mẫu vỏ khô hơn 1,0% theo quy định tại Dược điển Việt Nam (quế sử dụng làm thuốc). Khảo nghiệm hậu thế kết hợp xây dựng vườn giống hữu tính trên 2,0 ha nhằm chọn được giống quế nâng cao năng suất rừng trồng tại tỉnh Bắc Kạn.
Nội dung thực hiện bao gồm: điều tra tuyển chọn 50 cây trội ở tỉnh Bắc Kạn (gồm huyện Chợ Đồn hoặc Bạch Thông, Chợ Mới, thành phố Bắc Kạn); thu hái quả/hạt giống của 50 cây trội và nhân giống tạo cây con cho 50 cây trội; khảo nghiệm hậu thế kết hợp xây dựng vườn giống hữu tính cho 50 gia đình trên diện tích 2 ha tại huyện Chợ Đồn hoặc các huyện, thành phố khác trong tỉnh Bắc Kạn; tập huấn chuyển giao và hội thảo phổ biến nhân rộng kết quả của dự án.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng cho rằng, mục tiêu thực hiện dự án là cần thiết, hiện nay người dân có xu hướng trồng quế khá lớn, việc phát triển giống cây trồng này là có tính khả thi. Tuy nhiên, đối với những nội dung thực hiện mục tiêu cần tính toán vùng quế của Bắc Kạn có đủ điều kiện để tuyển chọn giống hay chưa, đề nghị cơ quan chủ trì thông tin thêm về việc khảo nghiệm 50 cây trội, việc duy trì dòng giống của 50 cây trội này, thời gian thực hiện có đảm bảo hay không… Các nội dung đã được cơ quan thực hiện dự án giải trình làm rõ.
Các thành viên Hội đồng đề nghị điều chỉnh Dự án thành Đề tài: Nghiên cứu thực trạng và định hướng phát triển cây quế tại tỉnh Bắc Kạn. Thời gian thực hiện trong 2 năm. Chỉnh sửa lại đề cương thuyết minh Đề tài, trong đó nội dung nghiên cứu tập trung vào khảo sát đánh giá về tình hình cơ bản của cây quế hiện nay, trên cơ sở đó lựa chọn cây trội, so sánh với giống chuẩn cây quế trong vùng (của tỉnh Yên Bái) để đáp ứng mục tiêu thực hiện đề tài.
Hội đồng tư vấn giao trực tiếp đã bỏ phiếu chấm điểm đạt 75,85 điểm và nhất trí giao Đề tài cho Viện nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng thực hiện trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung đề cương theo những ý kiến của Hội đồng. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp nhận đề cương thuyết minh để xin ý kiến thành viên Hội đồng trong thời gian tới.
* Dự án điều tra, đánh giá tình hình sâu bệnh và xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp trên cây keo, quế, hồi tại tỉnh Bắc Kạn.
Dự án do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ rừng chủ trì, ThS Nguyễn Văn Thành làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện 36 tháng từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2024 với mục tiêu đánh giá được tình hình sâu bệnh hại và xác định được các giải pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên cây keo, quế, hồi tại tỉnh Bắc Kạn.
Các nội dung nghiên cứu bao gồm: Điều tra xác định thành phần loài sâu, bệnh hại trên cây keo, quế, hồi ở vườn ươm và rừng trồng tại tỉnh Bắc Kạn; nghiên cứu đặc điểm sinh học loài sâu, bệnh hại chính; nghiên cứu các biện pháp phòng trừ tổng hợp loài sâu, bệnh hại chính; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật giải pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính; tập huấn cách nhận biết loài sâu, bệnh hại chính và các giải pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên cây keo, quế, hồi ở vườn ươm và rừng trồng.
Sau khi nghe đơn vị chủ trì báo cáo đề cương thuyết minh, các thành viên Hội đồng tư vấn giao trực tiếp đánh giá dự án có mục tiêu rõ ràng, phù hợp với yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên cần làm rõ quy mô của 3 mô hình, giảm bớt các nội dung nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà tập trung nghiên cứu ngoài hiện trường. Nghiên cứu diễn biến phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa đề nghị đơn vị chủ trì dự án cập nhật thêm thông tin sâu bệnh hại trong những năm gần đây để đảm bảo tính cấp thiết. Giảm bớt nội dung nghiên cứu mang tính lý thuyết để dự án đảm bảo phù hợp với nội dung ứng dụng cấp tỉnh, từ đó đưa ra biện pháp phòng, trừ hiệu quả…
Kết quả, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu chấm điểm đạt 83,85 điểm và nhất trí giao dự án cho Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ rừng thực hiện trên cơ sở bổ sung các nội dung theo ý kiến góp ý của Hội đồng./.
Nguyễn Hùng - Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành