Hội thảo đánh giá giống bí thơm thuộc đề tài “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể đảm bảo năng xuất chất lượng tốt”
Ngày 29/10, tại xã Địa Linh huyện Ba Bể, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức Hội thảo đánh giá giống bí thơm thuộc đề tài “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể đảm bảo năng xuất chất lượng tốt”. Tham dự hội thảo có Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ và các phòng chuyên môn, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể, Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền xã Địa Linh, đại diện các xã Yến Dương, Hà Hiệu, các Hợp tác xã trên địa bàn, cơ quan chủ trì, chủ nhiệm, các hộ dân tham gia thực hiện đề tài.
Đại biểu, người dân tham quan mô hình phục tráng
giống bí thơm Ba Bể vụ hè thu năm 2021
Đề tài đã tiến hành điều tra tình hình sản xuất, khả năng phân bố giống Bí thơm tại huyện Ba Bể và xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn. Qua khảo sát vùng trồng cho thấy thấy giống Bí thơm được trồng tại 11 xã, thị trấn, trong đó 02 xã có diện tích trồng nhiều nhất là Địa Linh, Yến Dương huyện Ba Bể; các xã còn lại, diện tích trồng manh mún, nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu của gia đình, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa. Đề tài đã tiến hành thu thập 500 dòng Bí thơm để phục vụ cho công tác nghiên cứu, phục tráng giống. Để đảm bảo chọn được giống bí có mùi thơm nhất, quá trình phục tráng giống bí thơm Ba Bể đã được tiến hành trong nhà có che nilong, tránh việc thụ phấn chéo giữa các dòng do côn trùng gây nên, đồng thời đơn vị chủ trì đã tuân thủ chặt chẽ quy trình phục tráng. Sau 4 vụ phục tráng (vụ Xuân, Hè Thu năm 2020 và vụ Xuân, Hè Thu 2021) căn cứ vào kết quả theo dõi các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, từ 500 dòng Bí thơm thu thập là vật liệu ban đầu, đã tuyển chọn được 2 dòng bí thơm có đặc điểm hình thái, chất lượng, độ thơm nổi trội phù hợp với bản mô tả đặc tính giống bí thơm của bản địa của huyện Ba Bể là dòng LVC và T13.
Ông Hoàng Văn Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
phát biểu chỉ đạo hội thảo
02 dòng bí thơm phục tráng
Các đại biểu, người dân tham dự hội thảo đã thảo luận nhất trí với kết quả phục tráng và đã chọn được 02 dòng bí thơm có các đặc tính đúng với dòng bí thơm bản địa đã được người dân trồng trước đây. Đồng thời đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước có các cơ chế, chính sách để lưu giữ, bảo quản đối với hai dòng bí thơm LVC và T13 đã phục tráng được. Tiếp tục chuyển giao, ứng dụng cho người dân về các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để từng bước mở rộng thị trường từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho người trồng bí thơm Ba Bể./.
Nguyễn Văn Hùng -Phòng Quản lý Công nghệ và CN