Hội thảo lần 1: Giải pháp ứng phó với một số loại hình thiên tai chính gây mất ổn định tự nhiên khu vực hồ Ba Bể
Trong 02 ngày 11, 12 tháng 10 năm 2022, tại Vườn Quốc gia Ba Bể, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức hội thảo lần 1: Giải pháp ứng phó với một số loại hình thiên tai chính gây mất ổn định tự nhiên khu vực hồ Ba Bể phục vụ phát triển kinh tế xã hội thuộc nội dung đề tài độc lập cấp quốc gia: Nghiên cứu các giải pháp ứng phó với một số thiên tai chính gây mất ổn định tự nhiên khu vực hồ Ba Bể phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Mã số: ĐTĐLCN-14/20.
Tham dự hội thảo có ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ phát triển khoa học công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ; đối với tỉnh Bắc Kạn có Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ban chỉ huy và Tìm kiếm cứu nạn, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật; đối với huyện Ba Bể có Thường trực Ủy ban nhân dân huyện, đại diện cho cấp ủy đảng, chính quyền, các hộ tham gia đề tài xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể; đối với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có Lãnh đạo Viện và các đơn vị, cá nhân thực hiện và tham gia phối hợp thực hiện đề tài, gồm: Học Viện Tài chính, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn.
Ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Đình Điệp - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn kiểm tra mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể
Sau khi đi kiểm tra mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu tại thôn Bản Chán, thôn Nà Khâu xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, nghe các đơn vị, cá nhân báo cáo kết quả thực hiện, đề tài đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn trồng: 660 cây trám ghép đạt 100% kế hoạch; 660 cây dẻ ván đạt 100% kế hoạch; 4875 cây chè hoa vàng đạt 102% so với kế hoạch ban đầu. Kết quả tổng hợp theo dõi đến tháng 9 năm 2022 tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, cây sinh trưởng phát triển tốt, một số cây đã bắt đầu cho bói hoa, quả; Phối hợp với UBND xã Đồng Phúc xây dựng mô hình cộng đồng tham gia ứng phó với thiên tai; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty trách niệm hữu hạn K&G Việt Nam, Học Viện Tài chính lắp đặt 06 trạm quan trắc lượng mưa, 03 trạm quan trắc mực nước, 03 hệ thống cảnh báo bằng âm thanh và tiến hành vận hành thử nghiệm hệ thống cảnh báo từ đầu mùa mưa lũ năm 2022.
Kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét
TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khai mạc hội thảo
Các đại biểu đã thảo luận nhất trí đánh giá mục tiêu, các nội dung của đề tài đã đi đúng hướng tập trung giải quyết vấn đề bức thiết của tỉnh; các mô hình bước đầu có đóng góp vào công tác phòng chống thiên tai, tạo sinh kế cho người dân, đánh giá được việc xói mòn có liên quan đến bồi nắng hồ Ba Bể. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài đánh giá thêm ảnh hưởng của xói mòn từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, việc xả thải do khai thác khoáng sản, nghiên cứu có số liệu sâu về hiện tượng rửa trôi, so sánh mật độ trồng với các loại cây khác từ đó đưa ra được các cơ sở khoa học để khuyến cáo với các cấp, các ngành có các giả pháp để hạn chế tới mức thấp nhất việc bồi lấp hồ Ba Bể./.
Nguyễn Hùng - Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành