Kiểm tra tiến độ 02 đề tài nghiên cứu về cây ăn quả
Trong hai ngày 13,14/10/2021, đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ do bà Đỗ Thị Hiền - Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện 02 đề tài, gồm: Nghiên cứu đánh giá thực trạng các giống quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và lựa chọn được giống có triển vọng để phát triển tại 02 xã Thanh Mai, Nông Hạ huyện Chợ Mới và đề tài: Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng cây hồng không hạt Bắc Kạn. Tham gia kiểm tra có TS. Hoàng Ngọc Đường - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn; chủ nhiệm, cán bộ kỹ thuật 02 đề tài; đại diện 02 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, huyện Ba Bể, đại diện Ủy ban nhân dân các xã Thanh Mai, Nông Hạ huyện Chợ Mới, xã Quảng Khê huyện Ba Bể, HTX Đồng Lợi.
Bà Đỗ Thị Hiền - Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ mô hình hồng không hạt tại thôn Nà Chom, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể
Đề tài: Nghiên cứu đánh giá thực trạng các giống quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và lựa chọn được giống có triển vọng để phát triển, tại 02 xã Thanh Mai, Nông Hạ huyện Chợ Mới được thực hiện trong 48 tháng (từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2024). Với mục tiêu: Đánh giá các giống quýt trồng tại Bắc Kạn, chọn lọc giống có triển vọng nhân ra sản xuất; Tuyển chọn được các giống quýt có chất lượng tốt phù hợp với điều kiện thực tiễn của Bắc Kạn để đưa vào mô hình khảo nghiệm; Xây dựng mô hình khảo nghiệm 02 ha các giống được tuyển chọn bằng cây ghép.
Kết quả triển khai, đến nay đề tài đã điều tra đánh giá được các giống quýt trên địa bàn 7 huyện, thành phố của tỉnh và thu thập được 6 giống quýt, trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu khối lượng quả (g/quả), hình dạng quả, màu sắc quả, màu sắc ruột quả, đặc điểm của tép quả, tỷ lệ ăn được, số hạt/quả; chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa như: đường tổng số, độ Brix, hàm lượng Vitamin C đã chọn ra 2 giống quýt chín sớm và quýt chín muộn có năng suất, chất lượng tốt đưa vào trồng khảo nghiệm; Tiến hành nhân giống 02 giống quýt đã được lựa chọn, ghép được 1.000 cây đạt 108% so với dự kiến. Hiện tại, cây giống sinh trưởng phát triển tốt không sâu bệnh hại. Cây đã được bàn giao trồng cho các mô hình tại các xã Thanh Mai, Nông Hạ huyện Chợ Mới xã Dương Phong huyện Bạch Thông. Đã tiến hành khảo sát chọn điểm, thiết kế xây dựng mô hình khảo nghiệm, với quy mô 2,16 ha/02 ha theo kế hoạch vượt 8%. Trong đó tại hộ ông Nguyễn Văn Hùng xã Thanh Mai diện tích 1,08 ha; tại xã Nông Hạ diện tích 0,68 ha với 3 hộ dân tham gia (chủ hộ Hoàng Văn Trường: 0,48 ha, Nông Thị Tiến: 0,1 ha; Chu Cập Hoan: 0,1 ha); tại hộ ông Nguyễn Văn Thân xã Dương Phong huyện Bạch Thông diện tích 0,4ha.
Qua kiểm tra thực tế tại 02 hộ (Chủ hộ: Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Nà Pẻn - xã Thanh Mai; Hoàng Văn Trường, thôn Cao Thanh - xã Nông Hạ), tại thời điểm kiểm tra cây trồng được 4 tháng cho tỷ lệ sống đạt trên 90%. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai đề tài còn một số tồn tại, như sau: Tại mô hình chủ hộ Nguyễn Văn Hùng chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật: Khoảng cách trồng vẫn còn dầy, bón phân còn sát gốc quýt; tại Chủ hộ Hoàng Văn Trường vẫn còn để cỏ, ngô trồng xen mô hình làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây quýt. Qua kiểm tra 02 hộ đều xuất hiện sâu bệnh hại (Sâu cuốn lá, sâu vẽ bùa).
Sau khi thảo luận, trao đổi kết luận cuộc kiểm tra bà Đỗ Thị Hiền - Giám đốc Sở đánh giá đề tài đã triển khai các nội dung cơ bản theo thuyết minh được phê duyệt. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới yêu cầu cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung theo kế hoạch; Đối với mô hình trồng mới 2ha giống quýt có triển vọng cần tiếp tục chỉ đạo các hộ dân tham gia mô hình làm cỏ, bón phân đúng quy trình kỹ thuật; Cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám nắm hiện trường để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăm sóc đối với diện tích thuộc mô hình trồng khảo nghiệm, chú trọng công tác pháp phòng trừ sâu bệnh hại đối với cây quýt đã trồng; Phối hợp chặt chẽ với địa phương, các hộ tham gia đề tài để nắm bắt tình hình, tiếp nhận phản ánh những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đề tài để xử lý kịp thời.
Đối với địa phương (huyện, xã): Tuyên truyền vận động các hộ tham gia hiểu đầy đủ về mục tiêu, nội dung của đề tài khoa học công nghệ triển khai tại địa bàn, thực hiện đúng cam kết và quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì/Chủ nhiệm đề tài trong quá trình triển khai, giám sát các hoạt động của đề tài; Tiếp tục thăm nắm, chỉ đạo thực hiện diện tích mô hình trồng khảo nghiệm 02 giống quýt có triển vọng, kịp thời báo cáo các vấn đề vướng mắc, phát sinh về Sở KH&CN để xem xét giải quyết.
Đối với đề tài: Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng cây hồng không hạt Bắc Kạn.
Đoàn đã kiểm tra thực địa mô hình tại chủ hộ Đồng Văn Tam và một số vườn hồng không hạt ngoài mô hình tại thôn Nà Chom, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện. Đoàn kiểm tra đã thảo luận nhất trí đánh giá về cơ bản, mô hình vườn hồng không hạt của đề tài sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, mẫu mã quả to, đẹp, tỷ lệ bị bệnh thán thư, thối đen rụng quả thấp hơn hẳn so với các vườn hồng không hạt ngoài mô hình.
Kết luận cuộc kiểm tra bà Đỗ Thị Hiền - Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ghi nhận chủ nhiệm, cơ quan chủ trì đã triển khai thực hiện đề tài đảm bảo nội dung, tiến độ được phê duyệt. Để triển khai các nội dung đề tài trong thời gian tới đáp ứng các mục tiêu đã phê duyệt, yêu cầu cơ quan chủ trì; đơn vị phối hợp và chính quyền địa phương cần tập trung triển khai một số nội dung sau:
Đối với cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài: Trước mắt, phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Ba Bể chuyển giao kỹ thuật đã được nghiên cứu, áp dụng tại mô hình của đề tài để phổ biến cho các địa phương khác áp dụng để chăm sóc vườn hồng. Tăng cường bám sát hiện trường để theo dõi diễn biến sâu, bệnh hại và có khuyến cáo kịp thời việc phòng, trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả cao nhất. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hộ tham gia mô hình, chính quyền địa phương tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các hộ dân cách xác định các loại sâu bệnh hại, loại thuốc phun phòng, thời điểm phun phòng, sau khi thu hoạch tập trung thực hiện biện pháp thâm canh, cắt tỉa, tiêu hủy các cành có hiện tượng sâu bệnh, vít cành, tạo tán cây hồng không hạt. Theo dõi, cập nhật đầy đủ các kết quả nghiên cứu, phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp kỹ thuật thâm canh ... cây hồng không hạt làm cơ sở khoa học đề xuất các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, thâm canh hiệu quả cây hồng không hạt Bắc Kạn. Xem xét phối hợp với các hộ rà soát một số diện tích hồng già cỗi, cho năng suất chất lượng thấp để thực hiện các biện pháp tổng hợp phòng chống sâu bệnh chính, đặc biệt quan tâm thực hiện đốn tỉa, tạo tán cây hồng để đánh giá, làm cơ sở khuyến cáo người dân địa phương áp dụng trong thời gian tới.
Đối với địa phương (huyện, xã): Đề nghị UBND huyện Ba Bể chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT tăng cường phối hợp với Cơ quan chủ trì triển khai, phổ biến các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hồng không hạt trên địa bàn huyện; xem xét thực hiện rà soát một số diện tích có cây hồng già cỗi, cho năng suất chất lượng hồng thấp, rụng quả nhiều, không cho thu hoạch, thực hiện các biện pháp tổng hợp, chăm sóc, đốn tỉa, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh...
Đối với UBND xã Quảng Khê: Thường xuyên thăm nắm diễn biến sâu, bệnh hại trên cây hồng không hạt trong và ngoài mô hình đề tài, thông tin kịp thời cho Cơ quan chủ trì, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để có phương án phòng trừ. Tuyên truyền, vận động các hộ dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu, bệnh hại cây hồng theo khuyến cáo, hướng dẫn của Cơ quan chủ trì và Chủ nhiệm đề tài./.
Nguyễn Thị Vinh - Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng QLKH