Một số kết quả hỗ trợ xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn trong xây dựng nông thôn mới của Sở Khoa học và Công nghệ năm 2022
Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục được Tỉnh ủy Bắc Kạn phân công giúp đỡ xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn trong xây dựng nông thôn mới. Để tổ chức thực hiện, Sở xây dựng Kế hoạch số 48/KH-SKHCN ngày 21/7/2021 về hỗ trợ xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn thực hiện Chương trình xâydựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung hỗ trợ Tiêu chí 10 về nâng cao thu nhập và Tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, trong năm 2022, Sở đã kiện toàn Tổ công tác về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Tổ công tác làm việc với Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã Tân Lập xác định những nội dung có thể hỗ trợ, phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Sở và phù hợp với nhu cầu tiếp nhận, khả năng tổ chức thực hiện của địa phương. Trên cơ sở thống nhất, Sở ban hành Kế hoạch số 34/KH-SKHCN ngày 06/4/2022 về hỗ trợ xã Tân Lập xây dựng mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 500 con vịt bầu cổ xanh với 10 hộ dân tham gia. Giống vịt được sản xuất theo quy trình của dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống và phát triển vịt bầu cổ xanh gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm” (dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh). Tổng kinh phí Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ là 20.370.000đ, gồm: 100% con giống, thức ăn cho vịt 21 ngày tuổi, vắc xin, thuốc, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, thiết lập kênh bán hàng thương mại điện tử để quảng bá, bán sản phẩm vào dịp Rằm tháng 7 năm 2022.
Ảnh: Mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh tại xã Tân Lập huyện Chợ Đồn
Dự án nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con nhân dân, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ có trách nhiệm cao của công chức, viên chức Sở Khoa học và công nghệ. Dự án kết thúc được đánh giá đạt hiệu quả tốt. Cụ thể, về kinh tế, trung bình mỗi hộ có lãi khoảng 2,0-2,5 triệu đồng. Về giá trị khoa học, dự án đã hoàn chỉnh được bản hướng dẫn kĩ thuật phù hợp, xác định được thời điểm xuất bán vịt để đạt trọng lượng, chất lượng, lợi nhuận tối đa, phù hợp với thực tiễn của xã. Mô hình được đánh giá có khả năng nhân rộng tại các hộ gia đình đủ điều kiện chăn nuôi vịt, tận dụng các điều kiện sẵn có của gia đình, địa phương (ao, suối). Từ mô hình với quy mô 50-70con/hộ, trong thời gian tới, khuyến cáo người dân có thể mở rộng quy mô 200-300 con/hộ để tận dụng được công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chăn nuôi vịt bầu cổ xanh. Về hiệu quả xã hội, giúp các hộ dân tiếp cận cách thức quảng bá trên sàn giao dịch điện tử của tỉnh, mạng xã hội, tăng cường giao lưu, mua bán, cải thiện khả năng giao tiếp, tiếp cận thị trường cho người dân, đồng thời, tạo mối quan hệ bền chặt hơn giữa chính quyền, nhà khoa học và với người dân.
Ảnh: KS. Nguyễn Trung Hiếu, Trung tâm nghiên cứu phát triển chè, Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc hướng dẫn bà con kỹ thuật hái búp chè
Ngoài dự án trên, Sở tiếp tục theo dõi, hỗ trợ tư vấn kĩ thuật sản xuất chè Shan tuyết, mận chín sớm, hồng không hạt tại xã để duy trì tốt các mô hình thuộc dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Phát triển sản xuất một số cây trồng hàng hóa nâng cao thu nhập cho nông hộ tại huyện Chợ Đồn” (đã nghiệm thu cấp tỉnh). Đồng thời, trên cơ sở kết quả rà soát, báo cáo tình hình phát triển cây chè Shan tuyết trên địa bàn xã, Sở mời chuyên gia của Viện Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tập huấn cho 15 hộ dân tham gia về cách thu hái, xao chè, lấy hương chè Shan tuyết của địa phương. Hình thức tập huấn là các hộ dân được trải nghiệm, thực hiện thu hái, xao chè trực tiếp trên cơ sở hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” của giảng viên. Vì vậy, qua buổi tập huấn, các hộ dân có chè đã biết cách cách thu hái, sao chè để đạt chất lượng tốt hơn, tăng giá trị sản phẩm, hướng tới các hộ dân liên kết với Hợp tác xã Hồng Luân tạo sản phẩm Chè Shan tuyết Tân Lập đạt tiêu chuẩn.
Ảnh: KS. Nguyễn Trung Hiếu, Trung tâm nghiên cứu phát triển chè, Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc-Hướng dẫn bà con chế biến chè
Có thể nói, công tác hỗ trợ xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn trong xây dựng nông thôn mới được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ngay từ đầu năm đã chỉ đạo sát sao các phòng, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để tham mưu thực hiện. Kết quả hỗ trợ có giá trị về mặt khoa học, hướng đến tăng giá trị, chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi, là cơ sở để xã Tân Lập tiếp tục rà soát, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã phù hợp trong thời gian tới.
Trong năm 2023, Sở tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ phù hợp với thực tiễn địa phương và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, trọng tâm tập trung 02 tiêu chí là nâng cao thu nhập và tổ chức sản xuất. Trong đó, tiếp tục kế thừa, tiếp nối những dự án, nhiệm vụ đã thực hiện giai đoạn trước để khuyến cáo duy trì, nhân rộng các sản phẩm, mô hình đã được đánh giá thành công; bố trí nguồn lực (con người, kinh phí) để thực hiện thiết thực, hiệu quả; tăng cường phối hợp thực hiện giữa đơn vị, thực hiện tốt công tác dân vận để thu hút nhiều hộ dân tích cực tham gia.
Đinh Thị Tuyến - Sở Khoa học và Công nghệ