Nghị quyết 20-NQ/TW động lực phát triển khoa học và công nghệ
Nhận thức tầm quan trọng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01 tháng 11 năm 2012 về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Nghị quyết số 20-NQ/TW), Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 20/2/2013 thực hiện Nghị Quyết số 20-NQ/TW (sau đây gọi tắt là Chương trình số 11-CTr/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-UBND ngày 16/8/2013 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết số 20-NQ/TW và Chương trình số 11-CTr/TU của Tỉnh ủy Bắc Kạn.
Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó chú trọng vào 05 định hướng nhiệm vụ: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế hoạt động KH&CN; Tăng cường tiềm lực KH&CN; Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng công nghệ ưu tiên; Nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương; Phát triển dịch vụ KH&CN. Nhờ vậy, tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh từng bước được nâng lên, các thiết bị phục vụ cho chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, kiểm định, thử nghiệm… được đầu tư đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn.
Ông Lê Văn Thế - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi làm của UBND tỉnh việc với Hội tự động hóa Việt Nam
Cùng với triển khai tốt các Chương trình, Đề án như: Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ) và giai đoạn 2016-2025 (Theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ) - Chương trình nông thôn miền núi: từ năm 2012-2022, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 10 dự án, các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã có những đóng góp tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo, thiện đời sống của nhân dân, tạo đà ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, miền núi.
Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" ban hành theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 15/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, các ngành, các cấp đã tổ chức các Cuộc thi, Hội thi để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiêp đổi mới sáng tạo phát triển từ đó phát huy khả năng nghiên cứu khoa học cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, qua đó lựa chọn được những ý tưởng sáng tạo phát triển thành các nhiệm vụ KH&CN các cấp triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Trao giải Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần 2, năm 2021
Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 225/QĐ-TTg, ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình, ngành Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, hội thảo khoa học về năng suất, chất lượng; hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế; các tiến bộ KH&CN trong sản xuất kinh doanh; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; truy xuất nguồn gốc; kiến thức về hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp. Đào tạo mạng lưới đội ngũ quản lý, chuyên gia về năng suất chất lượng cho lực lượng cán bộ, công chức của các sở, ngành. Hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 10 sản phẩm. Đánh giá được sự đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng KT-XH giai đoạn 2016-2020 của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp/hộ sản xuất, kinh doanh (có vốn đối ứng) ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiến tiến, đăng ký mã số mã vạch...
Đi đôi việc triển khai các Chương trình, Đề án, ngành Khoa học và Công nghệ cũng đã tham mưu phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ.Trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 128 nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (trong đó có: 113 nhiệm vụ cấp tỉnh, 10 nhiệm vụ thuộc chương trình Nông thôn miền núi, 03 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 02 nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp Quốc gia), tỉ lệ trung bình triển khai 12 nhiệm vụ/năm. Tổ chức nghiệm thu 92 ĐTDA, trong đó 12 nhiệm vụ xếp loại “Xuất sắc”; 66 nhiệm vụ xếp loại “Khá”, 14 nhiệm vụ xếp loại “Đạt yêu cầu”; 06 nhiệm vụ dừng triển khai và 30 nhiệm vụ đang triển khai (kết quả cụ thể tại bảng dưới đây).
Các chương trình, đề tài, dự án triển khai có tác động tích cực đối với phát triển KT-XH của tỉnh, bám sát nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương, giải quyết kịp thời các vấn đề bức thiết của tỉnh, tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp liên quan trực tiếp tới các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: Xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã ứng dụng thành công KH&CN sản xuất cây chè, cây ăn quả theo hướng hữu cơ, VietGap bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Khoa học và công nghệ đã quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc tuyển chọn giống vật nuôi và sử dụng các loại giống cây trồng mới có chất lượng trong sản xuất nông, lâm nghiệp; chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật, hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm đặc sản của tỉnh; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường đến nay tỉnh đã có 03 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (hồng không hạt, quýt và miến dong); bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho 03 sản phẩm (gạo bao thai Chợ Đồn, gạo nếp khẩu nua lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết Bằng Phúc) đang triển khai bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh, bí thơm Kắc Kạn. Các nhiệm vụ khoa học thuộc lĩnh vực y - dược, kinh tế - kỹ thuật, bảo vệ môi trường, khoa học xã hội và nhân văn mặc dù số lượng đề tài, dự án triển khai chưa nhiều nhưng kết quả đạt được của các nhiệm vụ lĩnh vực thuộc các lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Mô hình phục tráng giống lúa nếp Khẩu Nua Pái tại xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn
Sau 10 năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW hoạt động KH&CN đạt được những kết quả đáng khích lệ. Phong trào nghiên cứu khoa học, thi đua lao động sáng tạo được đầy mạnh; các cấp, các ngành đã chủ động tham gia một cách tích cực, hiệu quả để cung cấp cơ sở khoa học phục vụ cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân đối với việc cần thiết phải áp dụng KH&CN trong sản xuất, đẩy lùi những kỹ thuật lạc hậu, ứng dụng công nghệ cao tạo sinh kế, phát huy và nhân rộng được các mô hình sản xuất hiệu quả, hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW còn có những hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể một số nơi chưa thực sự sâu sát; việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kết luận số 50-KL/TW, các chủ trương của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước về KH&CN chưa được sâu rộng, hiệu quả, đôi khi mang tính hình thức. Công tác phối hợp của một số ngành, địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ, thống nhất. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, chưa đánh giá được năng suất tổng hợp các nhân tố bình quân của tỉnh (TFP) và tỷ lệ đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng GRDP của tỉnh trong cả giai đoạn 2012-2021. Đầu tư cho KH&CN còn thấp, trung bình cả giai đoạn 2012-2022 của tỉnh Bắc Kạn mới chỉ đạt 0,49% tổng chi ngân sách địa phương (Chương trình 11-CTr/TU dự kiến đạt 1,5-2% tổng chi ngân sách địa phương). Tỷ lệ đổi mới công nghệ thấp, trình độ công nghệ lạc hậu; chưa có các Phòng thí nghiệm, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm khởi nghiệp; Thị trường công nghệ chậm phát triển; số lượng doanh nghiệp KH&CN còn hạn chế. Hệ thống tổ chức KH&CN chưa nhiều; chưa có cán bộ chuyên trách về KH&CN ở cấp huyện; việc thực hiện xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học còn thấp; các doanh nghiệp chưa tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chưa mạnh dạn đổi mới công nghệ. Nguồn nhân lực KH&CN còn thấp, nhân lực có trình độ cao (Tiến sỹ) còn ít, hiện nay tỉnh mới có số cán bộ làm công tác KH&CN đạt 1,8 người/vạn dân, (theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, đến năm 2020, trung bình cán bộ khoa học đạt 11 người/vạn dân). Tỉnh chưa xây dựng được chính sách trọng dụng nhà khoa học có trình độ cao về công tác tại địa phương. Kết quả một số ĐTDA, chương trình KH&CN nhân rộng vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn, bất cập do thiếu cơ chế, nguồn lực đầu tư. Các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn khiêm tốn, một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong phát triển KH&CN. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KH&CN đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với nhiệm vụ phát triển KT-XH của từng ngành, từng địa phương; kế hoạch ứng dụng, phát triển KH&CN là một nội dung của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, coi đổi mới công nghệ là tất yếu nhằm tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường. Gắn nghiên cứu với ứng dụng, chú trọng công tác chỉ đạo nhân rộng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đẩy mạnh đặt hàng nhiệm vụ KH&CN từ các cấp, ngành, địa phương. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên kết, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các địa phương; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các giống cây trồng vật nuôi bản địa, nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu của địa phương. Quan tâm tạo điều kiện về kinh phí bảo đảm cho hoạt động KH&CN; có chính sách đãi ngộ xứng đáng, kịp thời động viên các tập thể, cá nhân có đóng góp trong công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN tại địa phương./.
Lê Văn Thế - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ