Nghiệm thu Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cây cam sành tại Bắc Kạn”
Sáng 05/10, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cây cam sành tại Bắc Kạn” thuộc Chương trình nông thôn miền núi ủy quyền cho địa phương quản lý. Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu do bà Đỗ Thị Minh Hoa-Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm chủ tịch Hội đồng.
Dự án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông chủ trì thực hiện, KS. Hoàng Văn Kiệm làm Chủ nhiệm. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 5/2018-5/2021 với mục tiêu chung là ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển giống cam sành tại Bắc Kạn thành vùng sản xuất cam hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Mô hình thâm canh cam sành theo hướng VietGAP tại xã Dương Phong, huyện Bạch Thông
Về mục tiêu cụ thể, Dự án chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống và thâm canh cây cam. Đào tạo 05 kỹ thuật viên và tập huấn cho 200 lượt hộ dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam theo VietGAP. Điều tra, tuyển chọn được 40-50 cây cam đầu dòng để khai thác mắt ghép phục vụ nhân giống. Xây dựng mô hình trồng mới 20ha cam sành tại Bắc Kạn. Xây dựng mô hình thâm canh 10ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 20 tấn/ha.
Để đạt mục tiêu đề ra, Dự án đã triển khai thực hiện 05 nội dung: Chuyển giao, tiếp nhận quy trình công nghệ; đào tạo, tập huấn kỹ thuật và hội nghị, hội thảo; điều tra tuyển chọn cây đầu dòng phục vụ nhân giống; xây dựng mô hình trồng mới cam sành tại Bắc Kạn; xây dựng mô hình thâm canh cam sành tại Bắc Kạn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Đỗ Thị Hiền - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình thâm canh cây cam sành
Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thành được mục tiêu đề ra: đã thành lập được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến, 4/12 thành viên HTX đã tiếp nhận được Quy trình kỹ thuật nhân giống cam sành bằng phương pháp ghép và quy trình kỹ thuật thâm canh cam. Công nhận được 40 cây cam đầu dòng, các cây cam đã được treo biển và quản lý theo quy định. Đào tạo được 05 kỹ thuật viên tiếp nhận quy trình tại Viện nghiên cứu Rau quả, bước đầu các kỹ thuật viên về đã chuyển giao được cho Hợp tác xã và các hộ dân trên địa bàn, xây dựng được mô hình sản xuất giống bằng phương pháp ghép, bước đầu ghép 7000 cây, tỷ lệ mắt ghép sống trên 85%, cho tỉ lệ xuất vườn 75%. Tập huấn được 4 lớp/200 lượt người trên địa bàn của hai xã Quang Thuận và Dương Phong, bước đầu các hộ đã ứng dụng thành công vào mô hình. Xây dựng được mô hình trồng mới 20 ha tại hai xã Dương Phong và Quang Thuận, tỷ lệ sống đạt 90%, bước đầu > 70% số cây đã ra hoa. Xây dựng mô hình 10 ha cam sành được quản lý chăm sóc theo VietGAP, có năng suất đạt trên 20 tấn/ha, tăng 10-15% so với sản xuất đại trà.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm đánh giá Dự án đã hoàn thành các nội dung nhiệm vụ và đạt được mục tiêu đề ra, nhất là mô hình sản xuất Vietgap đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người sản xuất.
Đồng thời Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến để đơn vị chủ trì thực hiện Dự án hoàn thiện báo cáo kết quả và triển khai một số giải pháp để duy trì, nâng cao hiệu quả các mô hình sau khi Dự án kết thúc, trong đó làm rõ thêm về nội dung phòng trừ sâu bệnh hại cam, nguồn gốc xuất xứ của cây giống; phân tích rõ hơn hiệu quả kinh tế - xã hội dự án và hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến xã Dương Phong; kiến nghị với địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện quản lý, duy trì các mô hình Dự án sau khi nghiệm thu …
Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh đã bỏ phiếu nhất trí nghiệm thu dự án với kết quả xếp loại đạt yêu cầu.
Đc Đỗ Thị Minh Hoa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận Hội nghị nghiệm thu
Kết luận hội nghị đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng hoàn thiện nội dung báo cáo để trình công nhận kết quả theo quy định. Đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án chỉ đạo tuyên truyền các hộ dân tham gia dự án trồng bổ sung, chăm sóc đối với diện tích cây cam sành thuộc mô hình trồng mới. Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông có kế hoạch nhận rộng diện tích, mô hình thâm canh cây cam sành nói riêng và các loại cây ăn quả khác nói chung theo hữu cơ, VietGAP…/.
Nguyễn Hùng - Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành